Wednesday, September 11, 2024
HomeKhácBộ TT TT yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên...

Bộ TT TT yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới

- Advertisement -

Một số kết quả nổi bật của ngành trong 3 tháng đầu năm 2023

Theo Bộ TT&TT, trong tháng 3-2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 325.565 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với tháng 2. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3-2023 ước đạt 845.577 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ; tỷ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 8.872 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với tháng 2. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 3-2023 ước đạt 24.455 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong quý I-2023 là 13,6%, tăng 3,99% so với thời điểm cuối năm 2022. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP quý I-2023 là 14,62%.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 4 – 2023 như sau: Về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tháng 4 năm 2023; chuẩn bị tốt nội dung của dự án Luật. Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về Phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và chuyển đổi số quốc gia. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án chuyển hướng hỗ trợ thiết bị cho các học sinh, sinh viên hộ nghèo tiếp cận thông tin từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”; phương án thực hiện nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025. Xây dựng kế hoạch, giải pháp, chỉ đạo, điều phối doanh nghiệp viễn thông xử lý triệt để “rác” viễn thông…

- Advertisement -

Kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam

Trình bày về một số hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của các mạng xã hội (MXH) xuyên biên giới hiện nay, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (ABEI, Bộ TT&TT) nhấn mạnh đến những vi phạm của Tiktok. Theo đó, Tiktok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em; sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ; không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc,…. MXH này cũng không quản lý hoạt động của các Idol TikTok nên để nhiều Idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này.

Cụ thể là việc cho phép thách đấu trực tuyến, Idol TikTok có thể được người xem tặng quà, càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền. Điều đáng nói là TikTok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được. Tiktok cũng không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Tiktok không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác. Việc tự ý quay phim, sử dụng hình ảnh người khác khi chưa được sự đồng ý của họ vi phạm.

- Advertisement -

Điều này vi phạm Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh; Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ phải bồi thường theo Điều 592 Bộ luật Dân sự. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, những vi phạm của TikTok dẫn đến các hệ lụy sau: Tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội; khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc; Khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp; nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.

Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, những vi phạm tương tự TikTok đã xuất trên hiện trên Facebook Reels và Youtube Shorts. Đặc biệt là các nội dung phản cảm, quảng cáo game cờ bạc, bán thuốc và thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Theo ông Lê Quang Tự Do, thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, Youtube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Đồng thời phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm.

- Advertisement -

“Tuy nhiên với các nền tảng MXH sử dụng thuật toán như TikTok đang “lách” để bộ công cụ không thể tự động rà quét, phát hiện vi phạm khiến công tác xử lý vi phạm trên TikTok gặp khó khăn. Với lượng thông tin khổng lồ sản sinh mỗi ngày trên các nền tảng MXH như TikTok như hiện nay, nếu các MXH đối phó, không hợp tác chủ động chặn lọc triệt để bằng các thuật toán thì những việc chặn gỡ nội dung vi phạm sẽ kém hiệu quả”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.

Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông,.. để yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan như: Công thương, VHTT-DL, Công an, Tổng cục Thuế,… kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Bộ TT&TT và ABEI sẽ nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét bao gồm cả hình ảnh, video; tổ chức hội nghị với các mạng lưới đa kênh của Youtube, TikTok, Facebook để tăng cường hiệu quả quản lý về việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam giữa các mạng xã hội xuyên biên giới với các MCN/KOLs. Bộ TT&TT cũng sẽ chú trọng xây dựng kế hoạch truyền thông để thúc đẩy, hình thành các xu hướng ứng xử văn hóa mạng lành mạnh; phối hợp với Bộ Công thương quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của TikTok Shop tại Việt Nam.

Đến ngày 15-5, thuê bao không chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi

Theo số liệu của Văn phòng Bộ TT&TT, tính đến ngày 31-3 đã có 2,17 triệu thuê bao chuẩn hóa thông tin sau khi nhận thông báo. Lượng thuê bao đã cập nhật thông tin chiếm 56,5% trên tổng số 3,84 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa với CSDL quốc gia về dân cư. Hiện cả nước có 1,67 triệu thuê bao (chiếm 43,5%) không thực hiện chuẩn hóa theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, kể từ ngày 1-4 đến nay đã có khoảng 256.000 thuê bao, chiếm 13,5% các thuê bao bị khóa một chiều đã đến chuẩn hóa để mở lại dịch vụ. Đến ngày 15-4, các thuê bao không tiến hành chuẩn hóa lại sẽ bị khóa 2 chiều. Đến ngày 15-5, nếu không cập nhật thông tin, các thuê bao này sẽ bị nhà mạng thu hồi số.

Cục Viễn thông đánh giá, hoạt động chuẩn hóa thông tin thuê bao đã nhận được sự ủng hộ của người dùng. Người sử dụng giờ đây đã ý thức được việc số điện thoại đăng ký thông tin chính chủ là cực kỳ quan trọng. Bộ TT&TT mong muốn người sử dụng thực hiện việc gửi tin nhắn TTTB tới đầu số 1414 (miễn phí) để tự kiểm tra nhằm kịp thời cập nhật thông tin thuê bao của mình. Sự phối hợp của người dùng sẽ góp phần hạn chế dịch vụ tin nhắn rác, cuộc gọi rác và xây dựng môi trường tiêu dùng thông minh, an toàn.

Bài, ảnh: VĂN PHONG


- Advertisement -
- Advertisment -
- Advertisment -
NHỮNG BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -
- Advertisment -

Phổ Biến Nhất