Friday, December 6, 2024
HomeKhácKhui lộ “động bàn tơ”!

Khui lộ “động bàn tơ”!

- Advertisement -

Tất nhiên, từ kết luận điều tra đến bản án cáo buộc hành vi phạm tội có hiệu lực pháp luật còn là quãng tố tụng khá dài nhưng phần nào đã định hình được nội dung, quy mô và tính chất của vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.

Trong các hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự thì đưa và nhận hối lộ là dạng “tội phạm chìm” khó khui lộ nhất, khi mà cả chủ thể đưa và nhận đều muốn che giấu, hành vi diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, không gian hẹp, ít người biết.

Các “chuyến bay giải cứu” đã bị một số cá nhân lợi dụng, đưa và nhận hối lộ số tiền rất lớn.

Chưa kể, của hối lộ có thể biến dạng dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng thế mà người ta có thể “tặng sinh nhật”, “mừng thôi nôi” bằng cả khối tài sản giá trị lớn. Lâu nay, các vụ án đưa và nhận hối lộ thường bị khui lộ khi cơ quan chức năng bắt quả tang, một số vụ qua đơn tố cáo nhưng thường của hối lộ khi phải chứng minh bằng chứng cứ thì giá trị không lớn và người bị khởi tố, truy tố tội nhận hối lộ dù có chức vụ, quyền hạn nhưng chỉ ở mức nhỏ và “tầm tầm”.

- Advertisement -

Tuy nhiên, thông lệ đó trong tố tụng bị phá vỡ khi vụ án Mobifone mua AVG nổ ra. Lần đầu tiên, một bị cáo bị truy tố tội nhận hối lộ ở tầm bộ trưởng và của hối lộ tính bằng triệu USD, đến mức chủ tọa phiên tòa phải thốt lên rằng, trong lịch sử xét xử của tòa án, việc bị cáo nhận hối lộ số tiền lên đến 3 triệu USD là “xưa nay chưa từng có”.

Tuy nhiên, vụ ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ chỉ lập kỷ lục về số tiền của một cá nhân. Đọc danh sách các bị can “dính chàm” trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, thật khó để nhớ hết tên từng người, khó nhớ hết ai giở thủ đoạn gì, nhận bao nhiêu tiền, từ tay người nào…

Với số lượng bị can nhận hối lộ thuộc loại “khủng” và có lẽ là một trong những vụ án kinh tế, tham nhũng có tính chất phức tạp nhất từ trước tới nay với mạng lưới rộng khắp, sự dích dắc liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương. Trong vụ án này, số bị can bị truy tố tội “nhận hối lộ” lên tới 21 người và 23 người khác bị truy tố tội “đưa hối lộ”, chưa kể hành vi môi giới hối lộ đang tiếp tục được điều tra, làm rõ cùng rất nhiều người khác đã lọt vào “danh sách đen” nhưng chưa đủ chứng cứ chứng minh.

Việc điều tra, làm rõ vụ án cho thấy, “ma lực đồng tiền” xuyên thủng những quy trình, thủ tục tưởng như chặt chẽ với hàng loạt tầng nấc kiểm soát. Ở các bộ, ngành liên quan đều có các ban, bộ phận tham gia trong tổ công tác với các chức vụ, thành viên rất cụ thể, rõ ràng, có khâu trên, khâu dưới, từ xin chủ trương, lập hồ sơ, trình duyệt, cấp phép đến thực hiện chuyến bay, đưa về khu cách ly…

- Advertisement -

Thế nhưng, nhiều cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế “xin – cho” buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để “bôi trơn”, đưa hối lộ. Hành vi được câu kết rất chặt chẽ, trở thành “luật bất thành văn” buộc doanh nghiệp, người dân phải thực hiện nếu muốn “bay giải cứu”.

Chẳng hạn tại Bộ Ngoại giao, với nhiệm vụ chính là bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài và quản lý danh sách công dân Việt Nam đăng ký nhu cầu về nước nhưng khi các doanh nghiệp triển khai chuyến bay “combo” được cấp phép thì một số cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã thỏa thuận, yêu cầu doanh nghiệp chia lợi nhuận theo từng chuyến bay hoặc chi tiền theo số công dân được về nước, thu tiền của công dân vượt so với quy định.

Ở trong nước, Bộ Ngoại giao là đầu mối chủ trì xin duyệt cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp nhưng một số cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn không chỉ nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp để chấp thuận cấp phép chuyến bay mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp chưa chi tiền hối lộ. Hành vi nhũng nhiễu của những cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn tại Bộ Ngoại giao đã tạo ra “thị trường” mua bán giấy cấp phép chuyến bay giữa doanh nghiệp với Bộ Ngoại giao và sang nhượng quyền được tổ chức các chuyến bay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Tại Bộ Giao thông – Vận tải, một số cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi, làm trung gian môi giới hối lộ hoặc nhận hối lộ để cấp phép bay tăng số lượng công dân về nước. Trong khi đó, Bộ Y tế là cơ quan được giao nhiệm vụ tham gia kiểm soát dịch bệnh, một số cán bộ cũng lợi dụng vai trò, chức năng, nhiệm vụ được phân công, cố ý tạo khó khăn, nhũng nhiễu để đòi hỏi phải “bôi trơn”.

- Advertisement -

Tại các địa phương như Hà Nội, Quảng Nam…, một số lãnh đạo có thẩm quyền đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp khi phê duyệt chủ trương cách ly công dân về nước… Như vậy, với quy trình 5 bộ tham gia, những tưởng đông và nhiều như vậy là chặt chẽ thì rốt cuộc, “động bàn tơ” bị phá vỡ chỉ với ma lực đồng tiền.

Khi kết luận điều tra được công bố, nhiều người ngỡ ngàng với số tiền khủng mà một người với chỉ vai trò thư ký thứ trưởng Bộ Y tế lại có thể “ẵm” dễ dàng như vậy. Với quyền hạn trình Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký, thư ký Phạm Trung Kiên trở thành cửa ải quan trọng ở Bộ Y tế. Kiên đã tiếp xúc, yêu cầu các cá nhân có liên quan “chung chi” từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng/chuyến bay hoặc 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay “combo” và từ 7 đến 15 triệu đồng/khách đối với khách lẻ, tùy từng thời điểm. Kết quả, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 42 tỉ đồng.

Kiên trở thành bị can nhận hối lộ lớn nhất trong vụ án. Nhiều người đặt câu hỏi, với số tiền khủng như vậy, với vai trò thư ký, Kiên đâu dễ “ăn một mình” và nếu chia thì chia chác thế nào, điều này cũng cần phải được làm rõ.

Tương tự, nhiều cá nhân có thẩm quyền thuộc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thoả thuận về chi phí đưa hối lộ.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định, cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng đã nhận “bôi trơn” tổng cộng 21,5 tỷ đồng; cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan nhận hơn 25 tỷ đồng. Hay với vai trò trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực, Nguyễn Quang Linh nhận hối lộ gần 4,3 tỷ đồng của 2 đại điện doanh nghiệp.

Sự câu kết trục lợi không chỉ diễn ra ở trong nước mà cả ở nước ngoài, liên quan nhiều cán bộ đại sứ quán. Đáng nói, ngay như việc duyệt kế hoạch cách ly cho người trở về từ “chuyến bay giải cứu” mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân đã dễ dàng nhận hối lộ 5 tỷ đồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng “yểm” hơn 2 tỉ đồng…

Khi vụ án bị phanh phui, một người dù không có chức năng nhiệm vụ trong việc điều tra, xử lý vụ án nhưng ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng “vào cuộc” và nhận tiền, hứa giúp “chạy án”, nhận hơn 2,6 triệu USD (tương đương 61,6 tỉ đồng)!

Của hối lộ những vụ án lớn gần đây không còn gọi “phong bì” mà định giá lên tới hàng triệu đô la, bằng giá trị những căn biệt thự. Lại nhớ trong một lần họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an cho hay, khi khám xét một vụ án, cơ quan điều tra giật mình khi phát hiện số tiền cả chục tỷ đồng mà bị can còn để quên trong phòng làm việc!

Trong đại dịch, cứu được mạng sống là quan trọng nhất, vì thế dù phải chi nhiều tiền thì người dân cũng phải bỏ ra, miễn là làm cách nào để có tấm vé về nước sớm nhất. Hệ thống đưa và nhận tiền hối lộ trở thành các mắt xích đan vào nhau như “động bàn tơ” và các nhóm lợi ích dường như lóa mắt vì món lợi khủng mà bỏ qua tất cả những vấn đề đạo lý và pháp lý.

Khám phá, điều tra các vụ án đưa và nhận hối lộ vốn khó khăn, phức tạp thì trong vụ án này càng khó khăn, phức tạp gấp bội khi nhóm lợi ích câu kết, móc nối ở nhiều bộ, ngành, địa phương, cả phạm vi trong và ngoài nước, liên quan nhiều cán bộ lãnh đạo; việc đưa và nhận hối lộ số tiền lớn, nhiều lần, kéo dài trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh. Do đó, việc khám phá, làm rõ vụ án khẳng định sự nỗ lực và quyết tâm lớn của Bộ Công an trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, cũng vừa là sự khẳng định rõ ràng về năng lực, trình độ và bản lĩnh của cán bộ điều tra.

Trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong chỉ đạo xử lý án tham nhũng, ngoài tập trung xử lý đối tượng vi phạm, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng thì một trong những vấn đề được quan tâm là xác định sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế – xã hội để kiến nghị hoàn thiện thể chế, để không thể tham nhũng.

Qua một số vụ án vừa qua, cơ quan điều tra có nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở trong quản lý kinh tế, góp phần minh bạch với mục tiêu làm một vụ việc cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để đối tượng tham nhũng phải bị xử lý, người đang có kiểu cách làm việc hay công ty có phương thức làm việc như thế phải chấm dứt ngay, khắc phục hiệu quả, nếu không sẽ bị xử lý…

Về vấn đề này, tại phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, các cơ quan chức năng phối hợp với nhau nhịp nhàng, ăn khớp, xây dựng được nhiều cơ chế, thể chế, chính sách, quy chế để không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng, tránh bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, chống tình trạng tham nhũng tập thể, tham nhũng có tổ chức, lợi ích nhóm.

- Advertisement -
- Advertisment -
- Advertisment -
NHỮNG BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -
- Advertisment -

Phổ Biến Nhất