Theo công bố từ 2 bên, thương vụ dự kiến sẽ được thực hiện thanh toán bằng tiền mặt và diễn ra trong quý 3/2023. Đây là vụ M&A quy mô lớn đầu tiên của L’Oréal kể từ tháng 5/2021, sau khi Giám đốc điều hành Nicolas Hieronimus tiếp quản công ty, và cũng là vụ sáp nhập lớn nhất của hãng trong 25 năm qua, theo S&P Global Capital IQ.
Thỏa thuận này đánh dấu một bước đi khá khác biệt đối với L’Oréal, bởi họ đang mua lại một thương hiệu khá có tiếng trên thế giới. Trước đây, tập đoàn này thường thâu tóm các thương hiệu mới với quy mô nhỏ, để tự phát triển thị trường, tăng doanh số. Việc mua lại Aesop cho thấy tham vọng mở rộng của L’Oréal trên thị trường mỹ phẩm xa xỉ.
Aesop (Aēsop) là một thương hiệu mỹ phẩm cao cấp của Úc chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc và nước hoa. Aesop được thành lập từ năm 1987 bởi Dennis Paphitis, vào năm 2012 Dennis Paphitis đã bán lại Aesop cho Natura & Co với giá 3,7 tỷ đô la Úc.
Từ sau khi gia nhập Natura & Co, Aesop đã chứng kiến tổng doanh thu tăng từ 28 triệu lên 537 triệu USD. Số lượng cửa hàng và quầy bán hàng tăng từ 52 lên 395 cửa hàng trên toàn cầu sau khi thương hiệu mở rộng phạm vi địa lý ra khắp 29 thị trường. Vào năm 2022, Aesop cũng đã mở các cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc để mở rộng phạm vi kinh doanh.
Với gần 400 cửa hàng trên toàn cầu, Aesop là thương hiệu có lợi nhuận cao nhất của Natura, bao gồm The Body Shop và Avon International. Trên toàn thế giới, Aesop đã đạt tỷ lệ tăng trưởng hai số trong năm 2022 với doanh số đạt 537 triệu USD, tăng 21% so với năm trước. Doanh nghiệp cũng có nhiều thỏa thuận với chuỗi khách sạn sang trọng và trung tâm làm đẹp trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, thỏa thuận mua lại này sẽ hỗ trợ Natura giảm nợ tài chính và tập trung vào các ưu tiên chiến lược như tích hợp hoạt động tại khu vực Mỹ Latinh và tiếp tục cải thiện hoạt động kinh doanh của The Body Shop.
Giám đốc điều hành của L’Oreal, Nicolas Hieronimus, cho biết: “Aesop khai thác tất cả các dòng sản phẩm có khả năng trở thành xu hướng tương lai và L’Oreal sẽ góp phần giải phóng tiềm năng tăng trưởng to lớn của mình, đặc biệt là ở Trung Quốc và các kênh bán lẻ hiện đại”. Còn ông Michael O’Keefe, Giám đốc Điều hành của Aesop cho biết: “Bây giờ chúng tôi đang bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo và tôi tin rằng với sự hợp tác của L’Oréal, chúng tôi có thể mang các sản phẩm chăm sóc da đặc biệt của mình đến với đông đảo người dùng hơn nữa, qua đó tiếp tục mở rộng thương hiệu trên toàn cầu”.
Trước đó, theo Bloomberg, ông trùm thời trang xa xỉ thế giới LVMH và Shiseido, tập đoàn làm đẹp từ Nhật Bản được cho là đều trong cuộc đua mua lại cổ phần của Aesop. Năm 2022 chứng kiến những khó khăn và thách thức cho các thương hiệu muốn niêm yết trên sàn chứng khoán và đây cũng là một trong những lý do khiến Natura nghiêng về việc bán cổ phần. Bloomberg cũng cho biết thêm động thái trên được đề xuất vào năm ngoái bởi Fabio Barbosa, Giám đốc điều hành của Natura.
Theo hồ sơ của công ty vào tháng 10, thương hiệu cũng đã có ý tưởng khác ngoài việc bán cổ phần là nhắm đến việc khai thác giá trị của Aesop bằng cách có thể tung ra một đợt IPO hoặc một nhánh kinh doanh mới. Nền tảng thương mại điện tử Oberlo nhận định, quy mô thị trường ngành làm đẹp toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị đáng kinh ngạc là 571,1 tỷ USD vào năm 2023. Như vậy, việc bán cổ phần cho LVMH hoặc L’Oreal có thể làm được nhiều việc hơn là chỉ khai thác tiềm năng của Aesop.
L’Oréal được xem là cổ phiếu blue-chip đáng tin cậy cho các nhà đầu tư dài hạn. Trong 5 năm qua, gã khổng lồ mỹ phẩm Pháp đã mang đến tổng mức lãi vốn khoảng 118%. Mô hình kinh doanh của L’Oréal có khả năng chống chọi rất tốt đối với cả câu chuyện lạm phát và tăng lãi suất. Mỹ phẩm vốn được xếp vào nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, và các thương hiệu lớn trong ngành như L’Oréal, Estée Lauder, hay Nivea thường duy trì được quyền định giá bất chấp lạm phát. Đồng thời, các khách hàng đa số vẫn trung thành với những thương hiệu quen thuộc thay vì chuyển sang mua mỹ phẩm giá rẻ.
Một phần lớn danh mục sản phẩm của L’Oréal như Lancôme, Maybelline, NYX Cosmetics và Garnier hiện hướng tới nhóm khách tiêu dùng giàu có. Các đối tượng này nhìn chung vẫn duy trì được năng lực tài chính và nhu cầu chi tiêu xuyên suốt thời kỳ suy thoái kinh tế. Đó là lý do tại sao CEO L’Oréal Nicolas Hieronimus tự tin khẳng định rằng lạm phát “không tác động” đến hoạt động kinh doanh của công ty. L’Oréal cũng không cần phải lo lắng về rủi ro lãi suất tăng vì công ty này chắc chắn có lãi. Thậm chí trong một năm nhiều biến cố như 2022, L’Oréal vẫn tăng trưởng 9,8% dòng tiền gộp lên mức 7,3 tỷ euro (7,75 tỷ USD).
Mới đây, L’Oreal cũng đã đầu tư vào liên doanh công nghệ sinh học Geno, để tạo ra các thành phần chính dựa trên thực vật thay thế cho vẻ đẹp bền vững. Thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm của công ty BOLD, L’Oreal cho đầu tư để thay thế các thành phần truyền thống sẽ được áp dụng trên nhiều sản phẩm khác nhau.
“Tại L’Oréal, chúng tôi tin rằng khoa học có khả năng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và chúng tôi cam kết sử dụng chuyên môn của mình để thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong ngành công nghiệp làm đẹp. Đó là lý do tại sao chúng tôi lấy Khoa học Xanh làm nền tảng cho nghiên cứu của mình,” Barbara Lavernos, Phó Giám đốc Điều hành phụ trách Nghiên cứu, Đổi mới và Công nghệ, tại L’Oréal, cho biết.
Bằng cách làm việc cùng với những người nắm chuyên môn cao trong ngành, L’Oréal có thể tận dụng chuyên môn và nguồn lực của mình để tạo nên các tác động có ý nghĩa. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của công ty là tạo ra 100% công thức và thành phần được thiết kế thân thiện với môi trường, 95% có nguồn gốc từ các nguồn tái tạo.