Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật căn cước. Đây là tên gọi mới của luật sau khi đổi tên dự án luật trước đó là Luật căn cước công dân.
Tờ trình nhấn mạnh đến sự cần thiết xây dựng, ban hành luật khi qua quá trình thực hiện đã có nhiều bất cập. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch…
Mở rộng tích hợp nhiều thông tin trên căn cước
Với việc sửa đổi tên gọi, dự thảo luật mới gồm 7 chương, 46 điều. Trong đó, mở rộng đối tượng áp dụng so với quy định hiện hành gồm cả với người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Vì vậy, dự thảo bổ sung quy định về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam, quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này.
Dự thảo cũng đưa ra nguyên tắc quản lý căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước. Quyền và nghĩa vụ của người dân về căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước. Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền của người dân liên quan đến căn cước điện tử…
Theo đó, dự thảo quy định theo hướng sẽ mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Mục tiêu là để phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin người dân.
Đối với các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng lược bỏ vân tay. Sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước thành số định danh cá nhân, dòng chữ “căn cước công dân” sẽ là “thẻ căn cước”; quê quán, nơi thường trú sẽ là nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú…
Chính phủ cho rằng việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước. Hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.
Cấp lại thẻ, đổi thẻ sẽ thực hiện trực tuyến
Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.
Điểm đáng chú ý nữa là dự thảo cũng quy định những người được cấp thẻ căn cước. Trong đó, bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Những thông tin tích hợp trong thẻ căn cước sẽ có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ khác.
Trường hợp cấp lại thẻ, đổi thẻ sẽ thực hiện trực tuyến, cơ quan quản lý sử dụng thông tin của thẻ căn cước gần nhất cấp lại cho người dân trong 7 ngày làm việc.
Theo tờ trình, mỗi người dân chỉ có một căn cước điện tử. Đây là tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử phải sử dụng căn cước điện tử.
Để tạo thuận tiện cho người dân, căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước.
Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực.