Saturday, July 27, 2024
HomeKhácĐà Nẵng làm gì để trở thành nơi đáng đến và đáng...

Đà Nẵng làm gì để trở thành nơi đáng đến và đáng sống?

- Advertisement -

Sau 26 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có những bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh tại khu vực miền Trung và cả nước. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống. Để thành nơi đáng sống, trước hết phải là nơi đáng đến. Kể từ số báo này, Báo Đà Nẵng mở diễn đàn “Đà Nẵng làm gì để trở thành nơi đáng đến và đáng sống?” nhằm ghi nhận những ý kiến, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân…





Đà Nẵng có nhiều lợi thế để xây dựng thành phố đáng đến và đáng sống. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ

Logic phát triển là đi từ tầm nhìn, khát vọng đến quy hoạch và cuối cùng là cải cách, huy động nguồn lực, tổ chức thực thi. Việc xác lập tầm nhìn, khát vọng là cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất.

- Advertisement -

Hiện nay, cần xác định tầm nhìn cho Đà Nẵng không chỉ là thành phố đi đầu, tiên phong, cải cách hay phát triển của Việt Nam mà phải là thành phố mang tầm cỡ quốc tế, cạnh tranh khu vực, vươn ra toàn cầu. Đà Nẵng không chỉ là thành phố du lịch, mặc dù du lịch là điểm lợi thế, điểm nhấn quan trọng.

Vậy nên, Đà Nẵng phải hướng tới việc trở thành nơi vừa đáng đến và đáng sống. Mặc dù hiện nay, Đà Nẵng cũng được coi là thành phố đáng đến vào loại bậc nhất Việt Nam, nhưng nhìn vào những tiêu chí của một thành phố đáng sống thì vẫn còn khoảng cách không nhỏ. Vì một thành phố đáng sống chắc chắn đáng đến, nhưng một nơi đáng đến thì chưa chắc đáng sống.





TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành

Tiêu chí của một thành phố đáng sống và sự đáp ứng – cơ hội của Đà Nẵng

- Advertisement -

Đáng sống là khái niệm rất tinh tế chứ không chỉ bắt nguồn từ văn hóa, lịch sử. Đó là nơi để tận hưởng, cống hiến, nghỉ ngơi, giải trí và làm việc. Công dân thành phố được thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ, hàng hóa và tối ưu hóa lao động, thu nhập…

Đích đến của thành phố đáng sống là mọi người dân của chính thành phố nói riêng và những ai đến và sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Đà Nẵng có nhiều lợi thế, thậm chí hơn Singapore, nhất là về thiên nhiên, song còn xa mới có thể đáng sống được như đảo quốc sư tử. Thực tế, nhiều thành phố đáng đến nhưng chưa chắc đã là nơi đáng sống vì nhiều lý do. Do đó, hay nhất là Đà Nẵng phát triển giống như Singapore: vừa đáng đến, vừa đáng sống.

Khi đã xác lập được tầm nhìn, khát vọng và quy hoạch, đây chính là thời điểm Đà Nẵng cần bắt tay xây dựng thành phố đáng sống chứ không chỉ đáng đến. Mỗi người có cách hiểu khác nhau về một nơi đáng sống. Lâu nay thông qua các cuộc bình chọn hay thông tin trên truyền thông có thể thấy, có nhiều tiêu chí đánh giá về nơi đáng sống.

Đầu tiên là lối sống. Theo xu thế hiện nay, nơi đáng sống phải bảo đảm các yếu tố: xanh, nhân văn, an toàn, cá tính hóa, cá thể hóa. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu trên thì chưa phải là nơi đáng sống.

- Advertisement -

Thứ hai là xu thế đô thị hóa. Mọi người thích sống ở đô thị vì lý do đơn giản: đô thị hóa tạo dựng được vốn xã hội, lúc đó mới có đầu tư, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, sản xuất hàng hóa dịch vụ tốt nhất. Nhất là, nơi đáng sống thì đô thị phải xanh, bền vững, thông minh, an toàn. Và mọi dịch vụ cung cấp cho đô thị đó phải là hệ sinh thái tốt bao gồm: y tế, giáo dục, dịch vụ công (cả dịch vụ tiện ích được tư nhân cung cấp).

Thứ ba là yếu tố bản sắc. Con người Đà Nẵng rất thân thiện, cởi mở, trung thực, tương trợ lẫn nhau – đó là nét văn hóa có thể cảm nhận được. Nếu thiếu đi bản sắc ấy thì không còn là thành phố đáng sống.

Thứ tư là yếu tố môi trường. Thành phố đáng sống có môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường làm việc thuận lợi không, có so sánh với quốc tế được không? Tại Đà Nẵng, chỉ số chuyển đổi số, chỉ số cải cách hành chính đều nằm ở top đầu so với cả nước, nhưng so với Dubai hay Singapore thì thế nào? Môi trường kinh doanh và làm việc đối với con người rất quan trọng, đó là yếu tố cần để thúc đẩy sự sáng tạo.

Thứ năm, đáng sống là giá trị phải lan tỏa. Nếu thành phố đáng sống lan tỏa được thì rất hay. Lan tỏa tạo ra sự ganh đua, sự cạnh tranh với các địa phương khác và nó góp phần trở thành tiêu chí cho các thành phố đáng sống.





Du khách tham quan thành phố bằng xe xích lô.Ảnh: T.LÂN
Du khách tham quan thành phố bằng xe xích lô. Ảnh: T.LÂN

Hướng đi mới của Đà Nẵng

Có người cho rằng, Đà Nẵng đang có sự thay đổi có vẻ hơi chậm so với các tỉnh, thành phố khác. Nhưng khách quan thì không phải vậy. Đà Nẵng giống với Khánh Hòa vì bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19 nên du lịch bị chững lại. Trong khi đó, những địa phương khác như Quảng Ninh có nền tảng vững chắc là công nghiệp (mặc dù vẫn khá là truyền thống), nhưng nhờ có nguồn lực đối ứng nên vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhưng vấn đề không phải là việc quản trị rủi ro, thực thi chính sách, ngân sách đối ứng… mà vấn đề ở đây là việc định vị Đà Nẵng trong bối cảnh mới. Quy hoạch đã nói rất rõ tầm nhìn của Đà Nẵng cần trở thành nơi đáng sống, nơi hội tụ nguồn lực tinh hoa không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới.

Những nơi mà tôi đã đến được coi là nơi đáng sống, có thể nhắc đến Singapore, Thiên Tân, Tam Á (Trung Quốc)… So sánh có thể thấy, Đà Nẵng có nhiều lợi thế: bản sắc và tạo hóa của thiên nhiên. Đà Nẵng đã có nhiều dấu ấn tích cực như APEC 2017, nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng mang đến sức hấp dẫn mới mẻ cho những điểm đến vốn đã nổi danh như Sun World Ba Na Hills, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Thực sự, Đà Nẵng là thành phố giàu tiềm năng để hài hòa các yếu tố đáng đến – đáng sống. Nhưng để trở nên đáng sống, Đà Nẵng cần phát triển ra sao?

Thứ nhất, Đà Nẵng phải là cực tăng trưởng thu hút, lan tỏa của miền Trung và rộng ra là của cả đất nước. Lan tỏa không chỉ trong cách làm mà phải định vị được vị thế. Cách làm cụ thể phải gắn với khát vọng, cách huy động nguồn lực của xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân; cải cách phải mang tầm cỡ là nơi dám chơi, biết chơi tầm quốc tế. Đà Nẵng là cực tăng trưởng theo nghĩa khi tăng trưởng nhanh sẽ lan tỏa tới các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung giống như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cách làm, sự tiên phong đi đầu như việc xây dựng chính quyền số, chính phủ điện tử đã có cải cách quyết liệt trong 10 năm qua.

Thứ hai, Đà Nẵng cần có cách đi khác. Ngoài việc đòi hỏi vị thế, cạnh tranh quốc tế thì cách huy động nguồn lực, định hướng phát triển đều phải gắn với quy hoạch. Trong quy hoạch, cần giữ được bản sắc riêng biệt của Đà Nẵng, khai thác tốt các thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên như sông, núi, rừng, biển. Đồng thời, phải có những không gian xứng tầm để làm nơi cư trú lâu dài cho lớp công dân mới kể trên.

Thứ ba, Đà Nẵng cần thu hút giới doanh nhân, đội ngũ chuyên gia chất lượng cao, kỹ năng cao đến sống, làm việc. Đấy là tiêu chí rất quan trọng để đánh giá nơi đáng sống. Vì họ là những người tiên phong, bám xu thế, có những đòi hỏi cao và sức sáng tạo rất tốt.

Thứ tư, việc thu hút các “đại bàng” – tập đoàn kinh tế lớn là rất quan trọng. Bởi với bề dày kinh nghiệm đầu tư, các “đại bàng” này sẽ tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh đáp ứng mọi nhu cầu của du khách, cư dân từ trải nghiệm, vui chơi, giải trí đến an cư, kinh doanh lâu dài…

Những việc cần làm để hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng

Nếu chúng ta nghiên cứu tầm nhìn phát triển của Đà Nẵng thì không chỉ là du lịch, dù du lịch là bộ phận hữu cơ, rất quan trọng, là điểm nhấn của Đà Nẵng. Song song tận dụng thế mạnh du lịch, Đà Nẵng cần phải đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, các ngành đổi mới sáng tạo, công nghệ số, dịch vụ logistics…

Khi ấy, Đà Nẵng mới có sức chống chịu trước những bất định, cú sốc từ bên ngoài. Mặt khác, điều này sẽ giúp thành phố thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao đến sinh sống, làm việc, hiện thực hóa mục tiêu đô thị đáng sống. Thu hút người tài, người giàu và các “đại bàng” đến đầu tư là cách để Đà Nẵng sớm trở thành Singapore thứ hai của châu Á.

Một đô thị đáng sống không nhất thiết chỉ có người giàu, mà nó phải phát triển bền vững. Người dân ở đó phải được hưởng thành quả và hạnh phúc. Tuy nhiên, một điểm rất quan trọng chứng minh thành phố đó có thực sự đáng sống, có so sánh được với các đối thủ quốc tế hay không, đó là ở khả năng thu hút giới tinh hoa, người giàu, doanh nhân…

Muốn làm được điều đó, thành phố phải đáp ứng được những xu thế sống mới: xanh, nhân văn, an toàn, có khả năng chống chịu trước những sự cố có thể xảy ra và giải quyết một cách tốt nhất và nhanh nhất. Đặc biệt, đối với giới tinh hoa, trong đó có người tài, người giàu, thành phố đáng sống phải có hệ sinh thái bảo đảm cho họ 3 điều:

Thứ nhất là một cuộc sống tốt nhất, tiếp cận dịch vụ đẳng cấp từ giáo dục, y tế, giải trí, nghỉ ngơi để sống và làm việc. Thứ hai là môi trường kinh doanh phải thuận lợi, để người ta mang tiền về đây đầu tư và chi tiêu. Thứ ba là không gian để người ta thỏa chí sáng tạo.

Bản thân Đà Nẵng đã có những tiềm năng, hữu xạ tự nhiên hương. Người ta quan tâm đến Đà Nẵng vì thấy đây là nơi có thể kinh doanh tốt, đầu tư tốt. Do đó, Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng để trở thành một đô thị đáng sống. Tuy nhiên, trước khi là nơi đáng đến, đáng sống của người dân khắp nơi thì Đà Nẵng hãy là nơi đáng đến, đáng đầu tư của các “đại bàng”.

Vì sự hiện diện của những tập đoàn lớn sẽ dẫn dắt thị trường đi theo xu hướng phát triển đẳng cấp, văn minh, hiện đại, đồng thời thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác cùng tham gia thị trường. Sự khác biệt của Đà Nẵng để làm sao nổi trội trong câu chuyện thu hút người tài, người giỏi, người có tiền xuất phát từ hai điểm: khác biệt về con người và thiên nhiên, tạo hóa.

Trước tiên, thiên nhiên tạo hóa  tạo ra sự khác biệt cho Đà Nẵng và con người đã tạo ra sự khác biệt gắn với các lợi thế, như công trình, bất động sản, dịch vụ vui chơi giải trí, giáo dục, y tế… chất lượng. Đà Nẵng có lợi thế là bờ biển đẹp, là nơi để làm việc, nghỉ ngơi với không khí trong lành, Nhưng như vậy là chưa đủ mà con người tạo ra công trình, dịch vụ, sản phẩm, chất lượng cung ứng… và đó là khác biệt của Đà Nẵng.

Nếu Đà Nẵng là nơi đáng sống, đáng làm việc thì có thể sống 6 tháng, 8 tháng, 2 năm, 10 năm, thậm chí cả đời. Chính đặc thù từ tạo hóa và các công trình, sản phẩm chất lượng dịch vụ… cộng với cách marketing, cách truyền thông của những người đã đến Đà Nẵng cho người khác sẽ làm cho Đà Nẵng trở nên đáng sống hơn trong tiềm thức của mọi người.

Do đó, Đà Nẵng phải tập trung vào câu chuyện truyền thông. Không gì là không thể vì hiện nay, quá trình đô thị hóa đang rất mạnh. Sự phát triển của Đà Nẵng là tất yếu và quá trình này cần bắt nhịp với những xu thế mới, là xanh, thông minh, đáng sống…

TS. VÕ TRÍ THÀNH

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

- Advertisement -
- Advertisment -
- Advertisment -
NHỮNG BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -
- Advertisment -

Phổ Biến Nhất